Volkswagen T-Cross - thiết kế gọn gàng và công nghệ hiện đại

Mẫu xe gầm cao nhỏ nhất của Volkswagen với nhiều tiện nghi hiện đại nhưng mức giá từ hơn một tỷ đồng là trở ngại tiếp cận khách Việt.

Chiến lược tập trung cho các mẫu xe gầm cao dần đưa Volkswagen đi theo con đường của Ford tại Việt Nam. Sự xuất hiện của Volkswagen T-Cross trong 2022 giúp hãng hoàn thiện dần dải CUV, SUV từ cỡ nhỏ đến cỡ lớn và đều bắt đầu bằng chữ T. Mẫu xe của Volkswagen có những nét cá tính rất riêng trong phân khúc xe đô thị cỡ nhỏ nhờ triết lý làm xe của thương hiệu Đức, nhưng lượng tiện nghi và giá bán sẽ khó đưa doanh số mẫu xe này "bay cao".

Trong 2 năm trở lại đây, nhóm xe đô thị cỡ nhỏ (từ A+ đến C-) nhận được sự quan tâm đặc biệt của các hãng tại Việt Nam. Số lượng xe mới ra mắt nhiều nhất, doanh số tăng trưởng nhanh nhất. Đó là lí do để nhà phân phối Volkswagen đưa về T-Cross, một chiếc CUV cỡ B sau những Teramont, Tiguan và mới đây là Touareg. T-Cross nhỏ nhất trong dải sản phẩm gầm cao của Volkswagen, hướng đến khách hàng trẻ ở đô thị nhưng thị hiếu bao gồm cả những chuyến đi xa, off-road nhẹ.

 

T-Cross phiên bản Elegance tại Việt Nam.

Nếu đã quen mắt với những mẫu Tiguan chạy trên đường phố, khách Việt không khó để nhận ra T-Cross như bản thu nhỏ của chiếc CUV cỡ C. Mặt ca-lăng kéo dài, nối liền đèn pha kèm các thanh ngang khoẻ khoắn. Chất SUV được hãng thể hiện bằng các mảng ốp mạ crôm ở hốc đèn sương mù, cản trước hay thanh chằng đồ ở nóc xe.

Tạo hình T-Cross trẻ nhưng không theo thiên hướng mượt mà hoặc những mảng khối táo bạo như xe Hàn, Nhật. Những đường gân nổi trên nắp ca-pô, hông xe tạo nét chững chạc cho mẫu xe này. Đuôi xe là nơi Volkswagen T-Cross tạo nét khác biệt nhất so với những mẫu xe của hãng ở Việt Nam. Một dải LED vắt ngang đuôi, đèn hậu cách điệu chữ C của tên gọi. Từ sau T-Cross, thiết kế kiểu này dần được hãng áp dụng trên những mẫu xe điện ID mới.

Những trang bị khác của xe bao gồm la-zăng 16-17 inch, đèn pha LED trên bản Luxury giá 1,299 tỷ đồng và halogen bản tiêu chuẩn Elegance giá 1,099 tỷ đồng. Trang bị đèn halogen là yếu tố tụt hậu trên xe, bởi với mức giá tiền tỷ, gần như các xe đều trang bị đèn pha LED.

Khác với ngoại hình có phần chững chạc, nội thất T-Cross đem đến chất hiện đại dễ thu hút khách hàng trẻ. Xe sở hữu màn hình thông tin giải trí 10 inch, kết nối điện thoại thông minh không dây. Giao diện khoang lái được thiết kế theo kiểu phẳng và dàn trải theo chiều ngang, vì thế khoảng để chân cho hành khách phía trước khá rộng.

Được định vị cho nhóm khách trẻ ở đô thị, những người ưa thích trải nghiệm công nghệ, T-Cross cho họ nhiều thứ để khám phá. Ví như điều hoà chỉnh bằng cảm ứng, sạc điện thoại không dây. Hệ thống điều hoà là loại tự động 2 vùng kèm chức năng lọc không khí. Bản Luxury cao cấp hơn khi có cửa sổ trời, ghế phối hai tông màu.

Một trang bị thực dụng trên T-Cross là ghế da đục lỗ thông hơi. Ở thị trường có khí hậu nhiệt đới như Việt Nam, thiết kế này giúp việc làm mát dịu và nhanh hơn cho người ngồi. Ở mỗi hàng ghế đều có thêm các cổng sạc Type-C cho hành khách.

Định vị thấp hơn đàn anh Tiguan về tầm giá, công nghệ lẫn trang bị đi kèm nhưng T-Cross có những điểm mạnh riêng nhờ vào kích thước nhỏ gọn. Bán kính vòng quay của xe khoảng 5.050 mm, thấp hơn nhiều đối thủ cỡ B khác. Khoảng sáng gầm 188 mm của T-Cross lớn hàng đầu phân khúc, cũng giúp việc xoay trở trong không gian hẹp, ở những tuyến đường nội ô TP HCM, Hà Nội, dễ dàng hơn.

Triết lý làm xe của người Đức ưu tiên tính ổn định khi vận hành cũng thể hiện rõ trên T-Cross dù chưa thể đánh giá cao như những đàn anh. Nền tảng khung gầm MQB A0 dành cho các dòng xe cỡ nhỏ, trong đó có T-Cross, là điều kiện để chiếc xe lăn bánh đầm, chắc trên cao tốc. Thân xe ít chòng chành, những pha chuyển làn, bẻ lái đều linh hoạt. Vô-lăng của T-Cross có độ phản hồi với mặt đường tốt, nhưng "nghe lời" như Passat thì chưa.

Volkswagen lắp động cơ 1.0 tăng áp, công suất 115 mã lực tại vòng tua máy 5.000-5.500 vòng/phút, mô-men xoắn cực đại 178 Nm tại 1.750-4.500 vòng/phút. Phản ứng chân ga của T-Cross nhạy dần khi lên tốc độ cao. Độ trễ vẫn thấy rõ ở những ga đầu khi turbo chưa hoạt động, đây là nhược điểm chung của xe lắp động cơ tăng áp. Nhờ đạt mô-men xoắn ở dải vòng tua khá thấp, T-Cross lanh lẹ và tăng tốc nhanh. Hộp số tự động 6 cấp trên xe cũng là một điểm cộng khi quá trình sang số nhanh và mượt.

Hoạt động ở tốc độ 60-80 km/h, vòng tua máy luôn duy trì ở mức thấp, từ 1.200 vòng/phút trở xuống. Tiêu hao nhiên liệu của xe vì thế khá tối ưu, khoảng 6,1 lít/100 km trên đường hỗn hợp. Những pha thốc ga sâu và dứt khoát giúp xe đạt gia tốc tốt hơn nhưng đổi lại là tiếng vọng của động cơ vào khoang lái. Trang bị lẫy chuyển số sau vô-lăng giúp người lái có thêm những trải nghiệm trên đường trường.

T-Cross trang bị khoá vi sai điện tử, tính năng hiếm có đối thủ nào trong phân khúc xe gầm cao cỡ nhỏ sở hữu. Vận hành của chiếc xe dẫn động cầu trước ở những pha bẻ lái gấp vẫn giữ được độ ổn định khi có sự phân bổ mô-men xoắn, tuỳ vào điều kiện mặt đường và độ trượt của một bánh.

Công nghệ hỗ trợ lái trên Volkswagen T-Cross còn có hỗ trợ phanh gấp, cân bằng điện tử, kiểm soát lực kéo, hỗ trợ khởi hành ngang dốc, kiểm soát hành trình. Với mức giá từ hơn một tỷ đồng, T-Cross tự mình thiết lập một phân khúc riêng và vượt trội những đối thủ Hàn, Nhật như Kia Seltos, Hyundai Creta, Nissan Kicks... T-Cross phần lớn tiếp cận nhóm khách đã có xe, ưa chuộng chất xe Đức, thêm T-Cross như một trải nghiệm mới, cầm lái nhẹ nhàng hơn trong đô thị lẫn trên đường trường.

(Theo vnxpress.net)